Hoạt động của sinh viên

04/07/2023 1542

Theo chân chiến sĩ tình nguyện ‘số hóa’ chùa cổ gần 200 tuổi ở Sa Đéc

TPO - Các chiến sĩ tình nguyện mùa hè xanh Trường Đại học Đồng Tháp đang dàn dựng, quay clip để "số hóa" ngôi chùa cổ gần 200 tuổi tại thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) phục vụ khách du lịch.


Các "chiến sĩ" tình nguyện Trường Đại học Đồng Tháp quay clip giới thiệu về chùa cổ Phước Hưng

Cuối tháng 6/2023, trong màu áo xanh tình nguyện, nhóm sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp miệt mài chụp ảnh, quay clip tại chùa Phước Hưng ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.


Ê kíp thực hiện số hóa chùa Phước Hưng của Trường Đại học Đồng Tháp

Trưởng nhóm - bạn Thái Châu Trung Lượng phân công mỗi sinh viên làm nhiệm vụ khác nhau, từ quay clip, hậu kỳ, chụp ảnh, sưu tầm hiện vật, dẫn hiện trường…. “Chúng em sưu tầm tư liệu thô, sau đó đem về dựng lại, hoàn chỉnh rồi gắn mã QR. Dự kiến cuối chiến dịch mùa hè xanh sẽ hoàn thành dự án”, Lượng nói.


Hai chiến sĩ tình nguyện đang ghi hình về chùa cổ Phước Hưng

Lượng là Đội trưởng chiến dịch tình nguyện Trường Đại học Đồng Tháp tại "mặt trận" TP Sa Đéc. Lượng chia sẻ, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chiến dịch lần này là số hóa các di tích số hóa các di tích trên địa bàn thành phố Sa Đéc.

Tuy nhiên do thời gian tham gia chiến dịch ngắn (10 ngày) nên nhóm tập trung thực hiện số hóa 2 công trình là chùa Phước Hưng và Trường Tiểu học Trưng Vương.

“Sở dĩ chúng em chọn 2 công trình này vì có những nét đặc trưng riêng. Trường Tiểu học Trưng Vương có nét cổ từ thời Pháp, còn chùa Phước Hưng đặc biệt hơn với tuổi đời gần 200 năm”, Lượng chia sẻ.


Sư trụ trì chùa Phước Hưng giới thiệu cho các sinh viên tình nguyện về ngôi chùa

Đội của Lượng có 30 chiến sĩ tình nguyện, tham gia chiến dịch trong thời gian từ 22/6 – 2/7 với nhiều hoạt động như hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VneID; tổ chức các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi; thăm hỏi gia đình chính sách, người già…


Các sinh viên ghi hình từng góc trong chùa cổ

Nhóm có khoảng 5 -7 sinh viên tập trung quay clip về chùa như kiến trúc, lịch sử, các hiện vật… sau đó số hoá thành mã QR gắn ở chùa để phục vụ du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin về ngôi chùa thông qua điện thoại thông minh.

Phước Hưng Cổ tự còn được gọi là chùa Hương (gọi tắt của biển hiệu chùa Minh Hương) tọa lạc tại số 461 đường Hùng Vương, ngay trung tâm thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật vô cùng đặc sắc, gắn liền sự ra đời của Phật giáo tại đô thị cổ Sa Đéc.

Chuông chùa có từ lâu đời

Chùa Phước Hưng do nhóm người Hoa thuộc hội Minh Hương đến đất Sa Đéc lập nghiệp dựng lên thờ Phật vào năm 1838. Thời gian sau được đồng bào Hoa - Việt trùng tu lại đầy đủ và tiện nghi hơn, nay còn gốc chữ chùa Hương Sa Đéc.

Bên ngoài ngôi chùa với nét cổ kính

Chùa Hương được thiết kế theo hình chữ Sơn. Đây là truyền thống kiến trúc chùa của người Trung Hoa lẫn Việt Nam từ lâu đời. Chùa có tất cả 8 mái, theo cấu trúc 2 cấp. Phía trên đều lợp ngói âm dương truyền thống như những ngôi chùa thuở xưa.

Xung quanh có hình đắp nổi, cỏ cây hoa lá chim muông đủ loại, lại thêm tứ linh Long, Lân, Qui, Phụng. Tất cả đều kết hợp hài hoà giữa sắc màu, vật liệu xây dựng, trong đạo có đời, trong âm có dương, như ánh trăng ảo huyền lung linh diễm lệ.

Du khách đến chùa sẽ qua cửa Đông Lang để vào chánh điện. Bên trong Đông Lang là phòng tiếp đón khách thập phương, kế đến là tổ điện gồm 5 gian bố trí 3 đường để chư tăng thọ trai mỗi ngày.

Giữa tổ điện phía trong trai đường là bàn thờ chư liệt vị tổ sư và các vị trụ trì. Những di ảnh, linh vị đều nằm trong chiếc khánh bằng gỗ sơn son, thếp vàng chạm trổ hoa văn rất sắc sảo.


Sư trụ trì giới thiệu về ngôi chùa

Trước tổ điện treo một bức hoành phi chạm trổ rất công phu, giữa là 3 chữ Bát Nhã Đường nổi bật trên nền mai, lan, trúc, bướm, quạt, cuốn thư, giấy bút… Phía trái của chánh điện là Tây Lang vừa để tiếp tăng khách và cũng là nơi lưu giữ các sách kinh.

Cách thức thờ phụng của chùa theo lối cổ, tôn nghiêm gồm hai bộ Tam Thánh Tây Phương cực lạc (Phật A-Di-Đà và Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí), đặc biệt có một pho tượng A-Di-Đà bằng đất sét thếp vàng có niên đại hơn trăm năm, không nung nhưng vẫn chắc chắn tới nay.

Nguồn: https://tienphong.vn/theo-chan-chien-si-tinh-nguyen-so-hoa-chua-co-gan-200-tuoi-o-sa-dec-post1546189.tpo)




XEM THÊM [Tất cả]


Dự tuyển vào DThU?

Tham gia