Câu hỏi thường gặp

25/09/2011 2949

Về đào tạo theo học chế tín chỉ

Câu hỏi 1: Hiện tại, vừa có quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT, vừa có quy định của Nhà trường. Vì sao vậy? Khi thực hiện căn cứ theo quy chế, quy định nào?

Trả lời:

- “Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ” của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT, ngày 15/8/2007 (gọi tắt là Quy chế 43), quy định những vấn đề chung nhất về đào tạo đại học theo phương thức này, là căn cứ để các cơ sở đào tạo trong cả nước xây dựng quy chế, quy định cho phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng đơn vị.

- “Quy định về đào tạo đại học, cao đẳng, TCCN theo tín chỉ ở Trường Đại học Đồng Tháp” ban hành theo Quyết định số 451/QĐ-ĐHĐT, ngày 14/8/2008 và Quyết định số 499/QĐ-ĐHĐT, ngày 08/9/2008, là sự cụ thể hoá các quy chế của Bộ GD&ĐT.

- Sử dụng Quy chế 43 vào đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại Trường ĐHĐT là thực hiện theo các quy định trong Quyết định 451 và 499.

Câu hỏi 2: Tại sao sinh viên phải đăng ký môn học?

Trả lời:

Khi học tập bạn phải có thời khóa biểu. Ở trường phổ thông hay trong đào tạo đại học theo học chế niên chế,  thời khóa biểu do nhà trường xếp sẵn. Sinh viên buộc phải học theo thời khóa biểu đó mà không có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, sức học của mỗi người khác nhau; điều kiện tài chính, sức khỏe của mỗi người khác nhau; mục tiêu hoàn thành chương trình đào tạo ở đại học cũng có thể khác nhau cho nên tạo cơ hội để sinh viên lựa chọn khối lượng học tập, môn học, thời gian học và cao hơn là chọn Thầy dạy, trong đào tạo theo tín chỉ có việc đăng ký môn học. Đây là một đặc trưng, một điều kiện cơ bản để người học chủ động trong học tập.

Với ý nghĩa đó, đăng ký môn học là quy định bắt buộc đối với sinh viên học theo học chế tín chỉ. Vì thế, nếu sinh viên không đăng ký môn học sẽ bị coi là tự ý bỏ học.

Việc đăng ký môn học không khó, chỉ cần nắm vững quy định của nhà trường về đăng ký môn học, chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy của nhà trường trong mỗi học kỳ và sử dụng tốt chức năng đăng ký môn học qua phần mềm quản lý đào tạo là bạn có thể thực hiện thành công.

Hãy nhớ kỹ 4 điều kiện quan trọng trên để đăng ký môn học cho tốt.

Câu hỏi 3: Những trường hợp nào phải đăng kí học lại?

Trả lời: Điều 16 quy định

1. Sinh viên có môn học bắt buộc bị điểm F phải đăng ký học lại môn học đó ở một trong các học kỳ tiếp theo cho đến khi đạt điểm A, B, C hoặc D.

2. Sinh viên có môn học tự chọn bị điểm F phải đăng ký học lại môn học đó hoặc học đổi sang môn học tự chọn tương đương khác.

3. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này, sinh viên được quyền đăng ký học lại hoặc học đổi sang môn học khác đối với các môn học bị điểm D để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy.

Câu hỏi 4: Để cải thiện điểm, sinh viên có điểm D được phép học lại hay không?

Trả lời:

Nếu 100% môn học đạt điểm D thì kết quả học tập dưới loại Trung bình (không được công nhận tốt nghiệp) hoặc nhiều môn học bị điểm D thì điểm trung bình chung tích lũy sẽ thấp, hạng tốt nghiệp không cao. Nếu muốn tốt nghiệp và tốt nghiệp ở thứ hạng cao sinh viên cần cải thiện điểm. Sự linh hoạt của đào tạo theo tín chỉ cho phép đăng ký học lại để cải thiện điểm.

Câu hỏi 5: Quy trình đăng kí học lại?

Trả lời:

  1. In phiếu đăng kí học lại từ trang Web của trường (www.dthu.edu.vn) hoặc nhận phiếu đăng kí học lại từ cán bộ giáo vụ khoa.
  2. Điền các thông tin chính xác và kí tên vào 2 phần của phiếu.
  3. Khoa quản lí xác nhận các thông tin trên vào 2 phần của phiếu.
  4. Nộp học phí học lại tại phòng Tài Chính-Kế toán và xác nhận đã nộp tiền vào phần phiếu dành cho P.QL Đào tạo lưu trữ.
  5. Phòng QL Đào tạo xác nhận vào phần phiếu dành cho SV và gửi lại phần phiếu này cho SV sử dụng khi vào lớp và dự thi.

 

Câu hỏi 6: Việc rút bớt môn học sau khi đăng ký cần phải lưu ý những điểm nào?

Trả lời:

1. Việc rút bớt môn học trong khối lượng học tập đã đăng ký chỉ được chấp nhận sau 4 tuần kể từ đầu học kỳ chính, nhưng không muộn quá 6 tuần; sau 1 tuần kể từ đầu học kỳ phụ, nhưng không muộn quá 2 tuần. Ngoài thời hạn trên môn học vẫn được giữ nguyên trong phiếu đăng ký học và nếu sinh viên không đi học sẽ được xem như tự ý bỏ học và phải nhận điểm F.

2. Điều kiện rút bớt các môn học đã đăng ký:

a) Sinh viên phải tự viết đơn gửi phòng đào tạo của trường;

b) Được GVCN chấp thuận;

Sinh viên chỉ được phép bỏ lớp đối với môn học xin rút bớt, sau khi giảng viên phụ trách nhận giấy báo của phòng đào tạo.

Câu hỏi 7: Việc cho phép rút bớt môn học để làm gì? Sinh viên có bị “phiền phức” gì khi thực hiện quyền này hay không?

Trả lời:

- Khi bạn gánh nặng quá sức, bạn dễ gặp rủi ro như không về đích đúng như dự kiến hay sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trước khi gánh, ta có thể không lường trước được điều này. Sau khi bắt đầu chương trình học tập của học kỳ, bạn mới biết những môn học trong học kỳ này là môn học khó và có phần quá sức nếu học đủ tất cả các môn học đã đăng ký hoặc bạn gặp rủi ro vì ốm đau hoặc bạn có cơ hội làm thêm để rèn luyện nghề nghiệp mà bạn không muốn bỏ lỡ. Khi đó, hãy nghĩ tới việc rút bớt môn học

- Rút bớt môn học là quyền của sinh viên và chẳng có “phiền phức” nào khi sinh viên thực hiện quyền này. Sẽ không có đánh giá nào về đạo đức khi sinh viên rút bớt môn học.

- Rút bớt môn học là lợi thế của phương thức đào tạo theo tín chỉ mà sinh viên có thể khai thác. Điều quan trọng là cần tính toán kỹ lưỡng việc này bởi rút bớt môn học có nghĩa là thời gian kế tiếp phải học nhiều hơn hoặc thời gian của khóa học phải kéo dài hơn.

Câu hỏi 8: Những trường hợp nào sinh viên sẽ bị buộc thôi học?

Trả lời: Xem kỹ điều 21. Điều quan trọng là ngay sau mỗi học kỳ, nhà trường sẽ xem xét kết quả học tập của từng sinh viên để xác định những trường hợp bị buộc thôi học.

Vì thế, những học kỳ đầu tiên phải hết sức cố gắng, không bị “ru ngủ” bởi thành tích thi đại học hay những cái mới trong cuộc sống sinh viên bởi nếu bạn học không tốt, không có cơ hội để sửa sai.




XEM THÊM [Tất cả]


Dự tuyển vào DThU?

Tham gia