ĐTO - Vậy là, Trường Đại học Đồng Tháp tròn tuổi 20, tuổi của thanh xuân, tuổi của khát vọng tràn đầy, tuổi của tương lai rộng mở. 20 năm là khoảng thời gian vừa đủ để nhìn lại hành trình tri thức đã qua với 48 năm truyền thống đào tạo của mái trường đại học bên cạnh dòng Tiền Giang hiền hòa, lộng gió.
Tiến sĩ Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp
Từ trường đại học sư phạm đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long
Cách nay 20 năm, trước yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Đồng Tháp được thành lập trên nền tảng Trường Cao đẳng (CĐ) Sư phạm Đồng Tháp theo Quyết định số 08/2003/QĐ-TTg ngày 10/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đầu tiên với nhiều hệ đào tạo, nhiều cấp học của vùng ĐBSCL. Đây là “sự hợp lưu”, tiếp nối truyền thống và thành tựu của các trường tiền thân: Trường Trung học Sư phạm Đồng Tháp (được thành lập sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng vào ngày 26/12/1975, trước yêu cầu thiết lập các trường đào tạo giáo viên phổ thông và mầm non ở vùng đất lịch sử Đồng Tháp Mười, theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Thanh niên); Trường Sư phạm Cấp II Đồng Tháp (thành lập năm 1977, đến năm 1984 đổi tên thành Trường CĐ Sư phạm Đồng Tháp); Trường Sư phạm Mẫu giáo Đồng Tháp (năm 1980); Trường Cán bộ Quản lý Đồng Tháp (năm 1985); Trường CĐ Sư phạm Đồng Tháp (từ năm 1989, trên cơ sở hợp nhất các trường CĐ và chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp).
Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp có chức năng và nhiệm vụ: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học cho vùng ĐBSCL và cả nước; Bồi dưỡng và đào tạo lại chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; Nghiên cứu khoa học, triển khai áp dụng tiến bộ khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cổng Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp năm 2003
Đến trường đại học đa ngành đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ 2
Đến ngày 4/9/2008, Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp được đổi tên là Trường ĐH Đồng Tháp, trở thành trường đại học công lập, đào tạo đa ngành, đa hệ, nhiều cấp học trực thuộc Bộ GD&ĐT. Trường ĐH Đồng Tháp đào tạo đa ngành thuộc các lĩnh vực: sư phạm, kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và nghệ thuật; với các trình độ đào tạo: CĐ, ĐH và sau ĐH; loại hình đào tạo đa dạng với các hệ: chính quy, vừa làm vừa học và liên thông, đảm nhận nhiều chương trình bồi dưỡng khác.
Năm 2017, Trường ĐH Đồng Tháp trở thành trường ĐH đầu tiên của vùng ĐBSCL đăng ký tham gia đánh giá ngoài và được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Năm 2022, Trường ĐH Đồng Tháp là 1 trong 22 trường ĐH đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH chu kỳ 2 trong tổng số 171 cơ sở giáo dục ĐH của cả nước; có 16 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định, chiếm 50% chương trình đào tạo là tỉ lệ cao trong các trường ĐH của cả nước. Đặc biệt, Trường ĐH Đồng Tháp đạt chuẩn 4 sao theo định hướng ứng dụng, chương trình đào tạo Sư phạm Toán học đạt chuẩn 5 sao theo tiêu chuẩn của Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng ĐH (UPM)... Từ năm 2023, Trường đăng ký triển khai kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế (AUN-QA, FIBAA,...) đối với các chương trình đào tạo của trường.
Đồng thời, Trường ĐH Đồng Tháp được lựa chọn là một trong các cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm của cả nước được Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dành cho viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng ngắn hạn dành cho công chức, viên chức và người lao động.
Trường Đại học Đồng Tháp hôm nay
Những cột mốc quan trọng của 20 năm “vươn mình Phù Đổng”
Chỉ trong 20 năm, đội ngũ giảng viên của trường phát triển ấn tượng cả số lượng, chất lượng và cơ cấu. Trong 20 năm qua, trường có 16 viên chức nhận học hàm phó giáo sư, 120 viên chức nhận học vị tiến sĩ, 355 viên chức nhận học vị thạc sĩ; có 49 viên chức hoàn thành chương trình cao cấp lý luận chính trị, 149 viên chức hoàn thành chương trình trung cấp lý luận chính trị hành chính.
Hiện nay, trường đang có 548 viên chức và người lao động. Trong đó, có 508 viên chức và 40 nhân viên; trình độ đội ngũ viên chức giảng dạy: 18 phó giáo sư, 91 tiến sĩ, 333 thạc sĩ và 12 cử nhân đại học (giáo viên trường mầm non) đang công tác ở 11 khoa đào tạo, 13 phòng chức năng, 5 trung tâm, 1 trường thực hành sư phạm mầm non trực thuộc. Đây là bước phát triển vượt bậc của tập thể, khi mà vào năm 2003, trường chỉ có 165 cán bộ, giảng viên, với 21 thạc sĩ, không có tiến sĩ.
Khi mới thành lập, trường chỉ có 5 ngành đào tạo trình độ đại học, đến nay trường đang có 1 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ (Quản lý Giáo dục); 10 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ (Quản lý Giáo dục, Giáo dục học (Tiểu học), Ngôn ngữ Việt Nam, Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán, Hóa lý thuyết và Hóa lý, Lịch sử Việt Nam, Vật lý lý thuyết và Vật lý Toán, Khoa học môi trường, Lý luận và Phương pháp dạy học Bộ môn tiếng Anh, Quản lý kinh tế), 31 ngành đào tạo trình độ ĐH, 1 ngành đào tạo trình độ cao đẳng. Trường đang đào tạo 23 nghiên cứu sinh, 808 học viên cao học, trên 16.000 sinh viên chính quy và sinh viên hệ liên thông, vừa làm vừa học tại 33 cơ sở liên kết đào tạo trong cả nước.
Trong giai đoạn 2003 - 2023, Trường ĐH Đồng Tháp đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng cho gần 2.000 thạc sĩ, 32.000 cử nhân ĐH chính quy, 140.000 lượt người học ở các hệ đào tạo liên thông, bằng hai và bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng thường xuyên với 32 ngành đào tạo và 28 chương trình bồi dưỡng.
Qua 20 năm, trường có gần 2.000 đề tài khoa học và công nghệ, công bố gần 6.000 bài báo/ công trình khoa học trên các Tạp chí khoa học có chỉ số ISSN, trong đó có 752 bài báo công bố trên Tạp chí khoa học quốc tế với 518 bài báo thuộc danh mục ISI. Về công tác truyền thông giáo dục, trường nhận được sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí trong các hoạt động và sự kiện của trường; hơn 8.000 tin, bài, phóng sự quảng bá, giới thiệu về trường được đăng tải trên báo in, báo điện tử, và phát sóng trên sóng truyền thanh, truyền hình.
Cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ dạy và học được chú trọng đầu tư, nâng cấp với hơn 1.500 máy tính kết nối internet; hệ thống giảng đường, phòng học được cải tạo và xây mới; môi trường sinh hoạt và nghiên cứu, học tập xanh - sạch - đẹp với hơn 2.000 cây xanh.
Hằng năm, trường đều có giảng viên trẻ được Bộ GD&ĐT khen thưởng về thành tích đã có công trình Toán học tiêu biểu của Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học, các giải thưởng về thành tích nghiên cứu khoa học, đại sứ văn hóa đọc. Nhiều sinh viên đạt giải cao tại các kỳ thi Olympic Quốc gia, giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam, giải thưởng sáng tạo khởi nghiệp; nhiều cựu sinh viên sư phạm của trường đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi và viên phấn vàng; nhiều cựu sinh viên ngoài sư phạm rất thành đạt trên hành trình lập nghiệp, khởi nghiệp. Nhiều sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải thi đấu thể thao trong nước, châu lục và thế giới. Qua 20 năm, 1.843 sinh viên ưu tú của trường đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi đang còn là sinh viên.
Mỗi một giải thưởng danh giá mà các bạn sinh viên đang học tại trường đạt được, mỗi một công trình, bài báo khoa học được công bố, hay mỗi một tân thạc sĩ, tân tiến sĩ bảo vệ thành công luận văn, luận án rồi trở về trường công tác... đều là niềm vui chung, là sự tự hào chung của tập thể, hòa chung và được nhân lên từ niềm vui của mỗi cá nhân.
Khen thưởng cho học viên cao học đạt thành tích cao
Trường có mối quan hệ hợp tác với 42 đơn vị, trường ĐH quốc tế thuộc các quốc gia như: CHLB Nga, Hà Lan, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Các hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng mang lại hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và học tập: chương trình giao lưu sinh viên, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, giới thiệu học bổng cho sinh viên và giảng viên, tiếp nhận tình nguyện viên về hỗ trợ giảng dạy, tổ chức tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài. Trường cũng đã có chương trình tiếp nhận lưu học sinh đến học tập, thực tập tại trường và đưa sinh viên đi học tập, thực tập ngắn hạn tại nước ngoài.
Nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng được thực hiện hiệu quả: từ hoạt động “cắt lúa, đóng gạch, trồng tràm, bóc sắt” đã trở thành huyền thoại năm xưa đến “tham gia hộ đê”, “ánh sáng văn hóa hè”, “phổ cập tin học” cho đến “ngôi nhà 5.000 đồng”, hỗ trợ cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “để không ai bị bỏ lại phía sau”, các chương trình đền ơn đáp nghĩa và phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các hoạt động nhân đạo và từ thiện, tham gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình phát triển nông nghiệp và văn hóa, du lịch.
Qua 48 năm truyền thống (1975 - 2023), 20 năm xây dựng và phát triển (2003 -2023), Trường ĐH Đồng Tháp đã xây dựng nên những truyền thống tốt đẹp và quý báu. Những truyền thống quý báu ấy đã kết tinh thành sức mạnh để xây dựng một môi trường sư phạm tích cực. Trường ĐH Đồng Tháp ngày nay tự hào là chiếc nôi, là bệ phóng vững chãi và đầy tự hào của nhiều thế hệ giáo viên, cán bộ khoa học kỹ thuật, công chức, viên chức, doanh nhân thành đạt đang công tác ở các trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp, cùng sự tin tưởng và trân trọng của toàn xã hội.
Các thế hệ cựu sinh viên, học viên thành đạt là niềm tự hào lớn nhất
Các lãnh đạo tiền nhiệm và đương nhiệm của Trường ĐH Đồng Tháp đều đồng chung suy nghĩ: “Cựu sinh viên, học viên thành đạt là “tài sản lớn nhất”, niềm tự hào lớn nhất của trường”. Trong những dịp đi công tác, hội nghị, hay đi thực tế ở các địa phương, gặp lại cựu sinh viên, cựu học viên của trường, giờ đã thành đạt ở vị trí công tác nhất định, rồi được nghe thêm thông tin vui về những cựu sinh viên khác, chúng tôi thấy ấm áp vô ngần.
Trong quá trình chuẩn bị tư liệu cho phim kỷ niệm 20 năm thành lập trường, chúng tôi được gặp lại rất nhiều cựu sinh viên, học viên thành đạt (trong rất nhiều, rất nhiều gương mặt cựu sinh viên, học viên thành đạt tiêu biểu khác của trường đang miệt mài làm việc, phụng sự cuộc sống ở khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài, mà chúng tôi chưa có dịp hội ngộ). Cựu sinh viên, học viên thành đạt tiêu biểu của trường đều có trên tất cả các lĩnh vực hoạt động: sư phạm, kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và nghệ thuật và cả những cựu sinh viên, học viên thành đạt với nhiều vai trò, chí hướng, đóng góp và phụng sự riêng của mình.
Sự thành đạt và đóng góp (có khi rất âm thầm) của các thế hệ gương mặt cựu sinh viên, học viên thành đạt - thật sự đã tạo nên cảm hứng tích cực cho các bạn sinh viên, học viên đang học tại trường; thật sự đã tạo nên cảm hứng tích cực cho những người dạy học như chúng tôi đây. Và chúng tôi, những người tham gia đào tạo các thế hệ người học, cũng rất mong muốn gặp lại, để được nghe chia sẻ về những thành công, những thăng trầm trong cuộc sống của các bạn, để cùng động viên nhau, cùng nhau vững tin tiếp tục sự nghiệp trồng người.
Trường Đại học Đồng Tháp đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2
Hướng đến tầm nhìn trở thành trường đại học chất lượng cao ở Đông Nam Á
Chiến lược phát triển Trường ĐH Đồng Tháp giai đoạn 2021-2030 xác định sứ mạng của trường là: “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đa lĩnh vực, trong đó khoa học GD&ĐT giáo viên là nòng cốt; nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ cộng đồng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và cả nước”.
Trong giai đoạn tiếp theo, Trường ĐH Đồng Tháp xác định quan điểm phát triển đảm bảo tính kế thừa và theo đuổi mục tiêu mới, đảm bảo tính toàn diện, có khâu đột phá, phát triển nhanh và bền vững; nhưng quan trọng hơn cả, đó là “xác định nhân tố con người là trung tâm của chiến lược phát triển, phát triển vì con người, do con người”, hướng đến tầm nhìn “Trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng cao của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”.
Trước hết, Trường ĐH Đồng Tháp thực hiện quyết liệt việc “đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, theo đuổi phương châm “mở””; tiếp tục khai mở và vận dụng hiệu quả bí quyết tự chủ đại học và quản trị đại học tiên tiến. Từ năm 2023, trường mở rộng thêm 36,8ha để phục vụ cho các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu; mở mới các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, xây dựng và đưa vào hoạt động trường phổ thông thực hành chất lượng cao nhiều cấp học (Tiểu học, THCS, THPT), với đội ngũ nhân lực trình độ cao, các chương trình được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại.
Đồng thời, trường tận dụng lợi thế ĐBSCL và tỉnh Đồng Tháp để triển khai đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng hiệu quả hơn, nhanh hơn và với quy mô lớn hơn; tiếp tục khai thác tiềm năng lớn về khoa học GD&ĐT giáo viên của trường để đẩy mạnh đổi mới hoạt động giáo dục; đồng thời chú trọng hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường.
Đặc biệt, Trường ĐH Đồng Tháp lấy chuyển đổi số làm đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống quản lý nhà trường; đồng thời, tiếp tục khai thác và phát huy lợi thế của trường ĐH đa ngành; phát huy lợi thế và tiềm năng của đội ngũ viên chức và người học của trường (tận tâm, giàu khát vọng, khát khao cống hiến, đồng thuận, nhân văn, nhân ái) để tiếp tục đổi mới và phát triển nhà trường; song hành với việc triển khai các đề án thu hút, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.
Song song đó, Trường ĐH Đồng Tháp đẩy mạnh xây dựng văn hóa chất lượng và văn hóa nhà trường với triết lý giáo dục “Kiến tạo - Chuyên nghiệp - Hội nhập”; tăng cường hợp tác - kết nối với nhà tuyển dụng, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và chuyên gia để cùng đồng hành với trường trong đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, khu vực ĐBSCL và cả nước.
Trường ĐH Đồng Tháp theo đuổi mục tiêu tham gia các chương trình, dự án trọng điểm góp phần thực hiện khát vọng Việt Nam phồn vinh - hùng cường - hạnh phúc, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tự chủ ĐH được định vị như một yêu cầu mới của giáo dục ĐH và được nhiều nhà nghiên cứu so sánh như chiếc chìa khóa để mở cánh cửa quản trị ĐH. Tự chủ ĐH là điều kiện “cần và đủ” để Trường ĐH Đồng Tháp tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được, xây dựng chiến lược phát triển và tầm nhìn hướng đến các mục tiêu phát triển mới, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Trường ĐH Đồng Tháp sẽ từng bước xây dựng nền tảng và “chủ động tạo ra các điều kiện” để hướng đến tự chủ ĐH trong tương lai. Với Trường ĐH Đồng Tháp, tự chủ ĐH là giải pháp chiến lược để chúng ta có thể tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức bằng chính những điểm mạnh và cả điểm yếu của chính mình.
Tập thể nhà giáo và người học của Trường ĐH Đồng Tháp cam kết dựng xây “một hệ sinh thái giáo dục” mang đặc trưng riêng của trường với triết lý “Kiến tạo - Chuyên nghiệp - Hội nhập” và “phương châm 16 chữ”: “Khơi dậy khát vọng, Phát huy tiềm năng, Kết nối nguồn lực, Kiến tạo giá trị”.
Niềm vui rạng ngời của tân cử nhân
Lời tri ân
Đánh dấu chặng đường 20 năm, Trường ĐH Đồng Tháp tri ân các cấp ủy Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, các Bộ và cơ quan, ban, ngành ở Trung ương đã quan tâm lãnh đạo, dành những tình cảm sâu nặng và trách nhiệm lớn lao, định hướng cho trường phát triển bền vững. Đồng thời, trường tri ân sâu sắc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương, nhất là tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh, thành phố đã không ngừng kề vai sát cánh ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ cho trường trên hành trình 48 năm qua. Trân trọng và biết ơn cộng đồng các trường mầm non, phổ thông, các trường chuyên nghiệp, các trường cao đẳng, ĐH trong và ngoài nước; các cơ sở giáo dục, các cơ quan, các đơn vị, các công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ, ủng hộ và đồng hành.
Thật vinh dự và rất đỗi tự hào bởi những thành tựu đó, mãi mãi sẽ là tài sản tinh thần to lớn của Trường ĐH Đồng Tháp, ngôi trường được sinh ra và lớn lên nơi vùng đất trung dũng kiên cường của Nam Bộ thành đồng, nằm bên dòng sông Tiền hiền hòa, trên vùng đất ấm áp Hòa An xưa - địa danh mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhà trường luôn khắc ghi những ân tình của các thế hệ lãnh đạo trường, đồng nghiệp, học viên, sinh viên nhà trường qua các thời kỳ. “Ân tình” này mang giá trị truyền thống, kết tinh thành văn hóa của nhà trường. Các thế hệ lãnh đạo trường, đồng nghiệp, học viên, sinh viên trường qua các thời kỳ cho dù ở vị trí công tác khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau, hay đang ở những địa phương khác nhau... nhưng vẫn luôn quan tâm, luôn dõi theo, luôn giúp đỡ, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của mái nhà chung ĐH Đồng Tháp.
Một nhà giáo, nhà quản lý lão thành của trường đã có chia sẻ chân thành rằng: “Trong hành trình đã qua, có những đồng nghiệp tài năng đã “rời xa trường” vì điều kiện gia đình và những hoàn cảnh riêng cần được tôn trọng, cũng có những đồng nghiệp tài năng “tìm đến với trường” để được làm việc, nghiên cứu, phụng sự và cống hiến... như một sự bù trừ một cách tự nhiên và công bằng của cuộc sống”.
Trong tiết trời ấm áp và sắc mai vàng tươi của vùng Đất Sen hồng, Trường ĐH Đồng Tháp vẫn thủy chung và son sắt một lòng vì “sự nghiệp trăm năm”. Mùa xuân mới đang đến, tòa nhà tri thức cao 9 tầng của trường đã được khởi công bên chiếc cầu dây văng Cao Lãnh “nối những bờ vui”, tập thể nhà giáo và người học luôn vững chãi niềm tin, tự học, sáng tạo, khởi nghiệp và kiến tạo tương lai.
“Hai mươi năm: Vươn mình Phù Đổng
Quý Mão niên: Tâm - Mở khơi dòng”.
TS. HỒ VĂN THỐNG
Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp
theo https://baodongthap.vn/giao-duc/dai-hoc-dong-thap-20-nam-vuon-minh-phu-dong-110916.aspx