Tin tức và sự kiện

25/05/2021 3847

Chuẩn tham gia công tác xã hội đối với sinh viên chính quy của Trường Đại học Đồng Tháp

Đối với trường đại học, hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, phục vụ cộng đồng được xác định là những nhiệm vụ mang tính chất “sứ mệnh”. Trong đó, phục vụ cộng đồng là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt. Người học cần nhận thức được nhiệm vụ này từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, Trường Đại học Đồng Tháp đã ban hành quy định chuẩn tham gia công tác xã hội đối sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ chính quy của trường từ khóa tuyển sinh năm 2014.

Theo đó, quy định chuẩn tham gia công tác xã hội đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chính quy bao gồm: những quy định chung; chuẩn tham gia công tác xã hội và nhiệm vụ của sinh viên, quản lí hoạt động công tác xã hội, được áp dụng đối với sinh viên đại học, cao đẳng chính quy đang học tại Trường Đại học Đồng Tháp.

Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp trong một số hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng

Chuẩn tham gia công tác xã hội đối với sinh viên là số ngày công tác xã hội tối thiểu một sinh viên trong khóa học cần phải có, để đủ điều kiện được xét công nhận tốt nghiệp. Cụ thể, đối với sinh viên đại học tối thiểu là 8 ngày, đối với sinh viên cao đẳng tối thiểu là 6 ngày. Ngày công tác xã hội quy đổi là đơn vị thời gian quy đổi của việc thực hiện một hoạt động xã hội tương đương 8 giờ.

Hoạt động công tác xã hội sinh viên có thể tham gia rất đa dạng như: tham gia các hoạt động công ích phục vụ các nhu cầu cấp thiết của địa phương nơi cư trú, tham gia các hoạt động do các tổ chức trong nhà trường khởi xướng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng sinh viên; chăm lo cho các đối tượng chính sách, người già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm sóc các bệnh nhân nghèo, neo đơn đang điều trị tại các bệnh viện hay tại nhà; trực tiếp tham gia vào các hoạt động cứu trợ thiên tai hay vận động quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai; tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh tại nơi cư trú, phổ cập tin học cho người dân trên địa bàn dân cư; hiến máu nhân đạo; tham gia mùa hè xanh; tiếp sức mùa thi; tiếp sức tân sinh viên và các hoạt động hữu ích khác.

Trong thời gian học tập, sinh viên có thể chủ động tìm các hoạt động xã hội phù hợp do các đơn vị trong và ngoài trường tổ chức để tham gia, hoặc chủ động thành lập các nhóm tham gia những hoạt động tình nguyện. Sinh viên có quyền tham gia hoạt động công tác xã hội ở bất kỳ địa phương nào, không nhất thiết phải tham gia tại địa phương nơi cư trú. Trường hợp sinh viên không thể tìm được nơi thực hiện những hoạt động tình nguyện thì sinh viên sẽ đăng ký với các nơi do trường giới thiệu. Hàng năm, sinh viên nộp sổ theo dõi hoạt động công tác xã hội cho chuyên viên công tác sinh viên của khoa để cập nhật số ngày công tác xã hội quy đổi đã thực hiện trong năm. Sinh viên được nhà trường cấp giấy chứng nhận sau khi hoàn thành chuẩn tham gia công tác xã hội. Đến thời điểm xét tốt nghiệp, nếu sinh viên chưa hoàn thành đủ số ngày công tác xã hội quy đổi theo quy định, thì sẽ chưa được xét cộng nhận tốt nghiệp.

Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp trong một số hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng

Qua khảo sát nhanh, kết quả cho thấy sau hơn 7 năm áp dụng quy định về chuẩn công tác xã hội, đa số sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp khi tốt nghiệp đã thích ứng rất nhanh với môi trường cuộc sống đang có nhiều biến đổi nhanh chóng và yêu cầu càng cao của thế giới việc làm, thể hiện sự tự tin về kỹ năng và có tinh thần trách nhiệm cao, khả năng kết nối và sẻ chia tốt hơn.

Với sứ mệnh “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đa lĩnh vực, trong đó khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là nòng cốt; nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ cộng đồng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nuớc” và hệ giá trị cốt lõi đã được xác lập là: “Chất lượng, Sáng tạo, Hợp tác, Trách nhiệm và Thân thiện”, Trường Đại học Đồng Tháp từng bước đổi mới quản lý, đổi mới hoạt động dạy và học, nghiên cứu và cung cấp các dịch vụ cộng đồng để phấn đấu trở thành trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất luợng cao của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Song song với việc phát triển chương trình đào tạo, giảm lý thuyết – tăng thực hành, giản lược các môn học hàn lâm để đưa vào các môn học gắn với hoạt động nghề nghiệp và “mang hơi thở” cuộc sống, quy định chuẩn tham gia công tác xã hội đối với sinh viên cùng với các môn học về kỹ năng mềm, các chuyên đề chia sẻ và chuyển giao kinh nghiệm làm việc, các mô hình gắn kết cộng đồng v.v…chắc chắn sẽ tạo một động lực mới để người học nỗ lực phấn đấu, trải nghiệm sáng tạo, góp phần vào việc chuẩn bị thiết thực nhất cho hành trang nghề nghiệp của người học.                                                                                

Các nhà quản lý giáo dục chia sẻ rằng, vào năm 1996 để chuẩn bị bước sang thế kỷ XXI, UNESCO xác định 4 trụ cột: 1- Học để biết (Learning to know), 2- Học để làm (Learning to do), 3- Học để trưởng thành (Learning to be), 4- Học để chung sống (Learning to live together), thì đến những năm cuối thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI, UNESCO đã có những khuyến nghị cần có sự điều chỉnh lại trụ cột thứ 1 và thứ 3 như sau: từ “Học để biết (Learning to know)” sang “Học để học cách học (Learning to learn)”, từ “Học để trưởng thành (Learning to be)” sang “Học để sáng tạo (Learning to create)”. Sự khuyến nghị điều chỉnh này mang thông điệp thực tiễn, đặt ra những yêu cầu mới cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc điều chỉnh chiến lược phát triển, theo đuổi các mô hình giáo dục gắn với yêu cầu sự phát triển của xã hội trong bối cảnh mới.

Hiếu Tri

                                                                                                                        



XEM THÊM [Tất cả]


Dự tuyển vào DThU?

Tham gia